Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm làm diễn giả tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ 2022
Sáng ngày 8/3/2022 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) cùng Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington (US Chamber) đồng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ với chủ đề: "Định hình lại quan hệ kinh tế song phương"với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ông Đặng Thành Tâm vinh dự là một trong các diễn giả tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) khẳng định, Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 5 là sự kiện chào mừng quan hệ đối tác Việt Nam Hoa Kỳ trong vòng 25 năm qua, cũng như hoạt động gắn kết của doanh nghiệp hai nước.
Bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham)
“Chúng tôi sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi và tăng trưởng của Việt Nam, thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần vào quá trình bình thường hóa quan hệ 2 quốc gia, đồng thời mong muốn thúc đẩy quan hệ hai quốc gia với hàng trăm tỷ USD, tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng thương mại giữa hai quốc gia”, Phó Chủ tịch AmCham nhấn mạnh.
Đồng thời bà cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ vui mừng khi Việt Nam có những cam kết về biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). “Chúng tôi mong muốn tiếp tục phát triển lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đã gắn kết với các cơ quan của Việt Nam trong đóng góp xây dựng quy hoạch điện VIII”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm và điều kiện tốt hơn để đối phó dịch bệnh và thúc đẩy mở cửa nền kinh tế trong bối cảnh mới.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định, song song với sự phát triển của Việt Nam, mối quan hệ của Việt Nam - Hoa Kỳ cũng tiến triển rất nhanh. “Chúng ta thấy khi chưa có Hiệp định thương mại tự do 2 nước, kim ngạch thương mại chưa tới 500 triệu USD/năm, tới năm 2021 thương mại hai chiều của hai nước đạt 110 tỷ USD trong bối cảnh khó khăn. Hoa Kỳ trở thành nước thứ hai có kim ngạch thương mại hai chiều trên 100 tỷ USD với Việt Nam”.
“Có thể nói đến thời điểm này, chúng tôi đã kiểm soát được dịch bệnh, hồi phục nhanh”, Thủ tướng cho biết, đồng thời khẳng định Việt Nam tự tin mở cửa nền kinh tế với những cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học và kinh nghiệm quốc tế. Thủ tướng khẳng định khi kiểm soát được dịch bệnh phải mở cửa khôi phục nền kinh tế.
Hội nghị cũng đã thảo luận về nhiều vấn đề như: Thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới thông qua kinh tế số; Đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai ở Việt Nam; Đẩy mạnh đầu tư bền vững và các chính sách ổn định để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp hai nước đều nhìn nhận quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn còn dư địa lớn để phát triển.
Tham gia diễn giả tại chuyên đề: “Thúc đẩy đầu tư bền vững và các chính sách ổn định để tạo động lực cho sự hồi phục kinh tế”, ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch HĐQT KBC chia sẻ:
Chủ tịch HĐQT KBC – Ông Đặng Thành Tâm tham gia diễn giả tại Hội nghị
Trong vài năm qua, chúng tôi đã có một số công ty như Foxconn, Luxshare,… đầu tư vào các KCN. Họ cung cấp Airpods cho Apple và đầu tư số tiền rất lớn. Điều mà các nhà đầu tư quan tâm là gì? Họ quan tâm đến các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Chính phủ Việt Nam hiện đang cố gắng tạo ra các ngành công nghiệp phụ trợ. Nhưng thực ra, đối với các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, chúng ta vẫn là lao động và Việt Nam muốn Chính phủ hỗ trợ lao động và các giá trị cao hơn. Việt Nam cần có những chính sách về vấn đề này.
Thứ hai, tôi muốn tập trung vào tính minh bạch mà một số diễn giả đã nói đến. Việc xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch là yếu tố sống còn, là vấn đề then chốt trong thu hút đầu tư vào Việt Nam. Tại Việt Nam có rất nhiều văn bằng và lưu hành hay hệ thống quy định luật pháp ở các vùng kinh tế còn chưa thống nhất. Với kinh nghiệm của chúng tôi, chất lượng dịch vụ công và các hoạt động hỗ trợ đầu tư từ chính quyền Trung ương diễn ra rất nhanh chóng. Một số tỉnh và địa phương hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn vì họ đã hiểu rõ và tạo ra môi trường đầu tư rất tốt. Tuy nhiên, một số tỉnh lại có sự khác biệt và chậm chạp hơn trong vấn đề này. Và đó là lý do tại sao chúng ta cần Chính phủ Việt Nam tạo ra hệ thống chính sách, công tác quản lý và hỗ trợ các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, chúng tôi đã đề xuất Chính phủ phân cấp quản lý để có một hệ thống chính sách, quy định rõ ràng và minh bạch và thời gian để hoàn thiện thủ tục đầu tư sẽ được rút ngắn.
Và điều quan trọng nhất tôi muốn chia sẻ là việc chuẩn bị sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài bởi vì Việt Nam cần thu hút đầu tư của Mỹ với nguồn tài chính khổng lồ. Khi đến làm việc với chúng tôi, các nhà đầu tư Mỹ luôn yêu cầu những dự án lớn. Nhiều công ty Mỹ tốn khá nhiều thời gian để đầu tư dự án tại Việt Nam do sự thiếu chuẩn bị và các yếu tố cần có chưa sẵn sàng. Chính phủ Việt Nam cũng như các địa phương có sẵn mọi thứ sẵn sàng sẽ dễ thu hút các nhà đầu tư hơn, chẳng hạn như tỉnh Thừa Thiên Huế đang dần trở thành điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài trong việc nhanh chóng cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đầu tư nước ngoài tại tỉnh. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng cũng là một vấn đề cần lưu ý vì nó có thể tiêu tốn vốn đầu tư lớn, khoảng 100 tỷ tập trung vào các dự án lớn cho việc xây dựng, đầu tư mở rộng hệ thống hạ tầng.
Qua 5 năm tổ chức thành công, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ đã trở thành sự kiện được mong đợi nhất của doanh nghiệp hai nước. Bằng sự năng động, đổi mới, sáng tạo để thích ứng với trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ đã chủ động kết nối và hợp tác với nhau để cùng nhau phát triển.